Huyết áp là một trong những thông số đơn giản nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Huyết áp cao hay thấp sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, khó chịu thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nắm rõ về 2 thành phần của chỉ số huyết áp là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương sẽ giúp mọi người hiểu được cơ bản tình trạng sức khỏe của mình và biết nên làm gì để duy trì được mức huyết áp tốt. Cũng trong bài viết này, chúng ta cũng sẽ cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân gây cao huyết áp, dấu hiệu, bệnh lý liên quan và cách điều trị.
Khái niệm huyết áp
- Máu từ tim chảy đến tất cả các bộ phận của cơ thể qua các động mạch và tĩnh mạch. Mỗi lần tim đập, tim sẽ bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp được tạo ra bằng áp lực của máu tác động lên thành trong của mạch máu khi máu được tim bơm đi khắp cơ thể.
- Đơn vị đo huyết áp là mi-li-mét thủy ngân (mmHg). Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp tâm thu, chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương.
Khái niệm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương.
- Huyết áp tâm thu là gì?
là áp lực của dòng máu lên lòng mạch ở thì tâm thu tức là thời kỳ co bóp của tim, con số này luôn được quan tâm hơn cả vì nó phản ánh khả năng bơm máu của tim đi tới các hệ cơ quan.
Chỉ số huyết áp tâm thu chịu sự chi phối của thể tích máu ở mỗi nhịp co bóp và sức co bóp của tim. Tim tống máu hay co bóp càng nhiều thì chỉ số huyết áp tâm thu càng tăng.
- Huyết áp tâm trương là gì?
là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim giãn ra. Không được như huyết áp tâm thu, con số này thường ít được chú ý đến, do chỉ phản ánh khả năng đàn hồi của thành mạch mà yếu tố này thì khó có thể thay đổi được.
Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Sự chênh lệch này không bao giờ được ≤20mmHg*, nếu dưới con số này bác sĩ sẽ nhận định là huyết áp kẹp và tiến hành xử lý cấp cứu.
- PUL : Là mạch đập ( hay còn gọi là nhịp tim ): Chỉ số bình thường 60 đến dưới 100 lần / phút
*mmHg: Mi li mét thủy ngân là một đơn vị đo áp suất, trước đây được định nghĩa là áp suất chính xác được tạo ra bởi một cột thủy ngân cao một milimet và hiện được xác định là chính xác 133,322387415 pascal |
Chỉ số huyết áp bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là cao và bao nhiêu là thấp?
Mức huyết áp Theo tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), có các cấp độ tăng huyết áp như sau | SYS (mmHg) chỉ số huyết áp tâm thu | DIA (mmHg) chỉ số huyết áp tâm trương |
Huyết áp bình thường | 90 – 130 | 60 – 90 |
Huyết áp thấp | < 85 | < 60 |
Tiền tăng huyết áp | 130 – 139 | 85 – 89 |
Tăng huyết áp mức 1 | 140 – 159 | 90 – 99 |
Tăng huyết áp mức 2 | 160 – 179 | 100 – 109 |
Tăng huyết áp mức 3 | ≥ 180 | ≥ 110 |
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc | ≥ 140 | < 90 |
Theo dõi huyết áp tại nhà cần lưu ý
Đo huyết áp ở bệnh viện là loại huyết áp kế hoạt động theo nguyên tắc cơ học được sử dụng bởi nhân viên y tế đã được đào tạo sử dụng. Còn khi ở nhà, máy đo huyết áp bắp tay hay máy đo huyết áp cổ tay thường được sử dụng vì tính đơn giản, dễ thực hiện, đầy đủ các chỉ số huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, nhịp tim, bộ nhớ lưu trữ và các tính năng cảnh báo như cảnh báo rối loạn nhịp tim, cảnh báo đột quỵ…Tuy nhiên, khi nào thì nên chọn máy đo huyết áp điện tử bắp tay – khi nào nên chọn máy đo huyết áp điện tử cổ tay.
- Máy đo huyết áp cổ tay: Tuy rẻ, nhỏ gọn để đeo trên cổ tay nhưng lại ít tính năng và không phù hợp với những ai bị yếu hay run tay vì khi đo vòng bít cần để ngang tim. Vì vậy, khi tay bị yếu run thì máy sẽ báo lỗi cử động hoặc kết quả không chính xác.
- Máy đo huyết áp bắp tay: Nhiều tính năng, màn hình lớn, có thể dùng pin hoặc và/adapter, dễ dàng đo với hầu hết mọi người vì vòng bít được quấn trên bắp tay và luôn ngang tim. Vì vậy, người đo chỉ cần ngồi im thư giãn là có thể đo mà không sợ bị lỗi cử động hay không ngang tim.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện đo huyết áp cho chính mình tại nhà, cần phải hiểu rõ rằng huyết áp của chúng ta không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta ngay tại thời điểm đó. Chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động… cũng sẽ làm huyết áp tăng lên.
Do đó, để có được kết quả đo huyết áp chính xác nhằm kết luận huyết áp có bất thường hay không phải căn cứ vào chỉ số huyết áp của nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau trong một ngày. Đồng thời, chỉ đo huyết áp sau khi ngồi nghỉ ít nhất 15 phút, trong môi trường yên tĩnh, không lo lắng, căng thẳng và tuyệt đối không dùng cà phê, thuốc lá.
Các nguyên nhân làm tăng huyết áp. Đặc biệt, bệnh cao huyết áp ở người trẻ.
Nếu như trước đây, cao huyết áp được xem như là bệnh của người lớn tuổi. Tuy nhiên cuộc sống thay đổi chứng cao huyết áp đang dần dần trẻ hóa (dưới 35 tuổi) ở mức báo động. Khác với người lớn tuổi, các dấu hiệu thường không rõ ràng khoảng 70% người trẻ không xuất hiện bất kỳ một dấu hiệu nào khi mới bị cao huyết áp.
Với người lớn tuổi khó xác định được nguyên nhân chính xác (cao huyết áp nguyên phát) dẫn đến cao huyết áp, cao huyết áp ở người trẻ thường do những nguyên nhân sau đây (thường là các nguyên nhân thứ phát) đòi hỏi giải quyết triệt để nguyên nhân thì huyết áp sẽ trở lại bình thường.
Dấu hiệu nhận biết cao huyết áp điển hình cần ghi nhớ
- Đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng
- Thở nông.
- Chảy máu mũi.
- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
- Chóng mặt.
- Mắt nhìn mờ.
- Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa.
- Tiểu máu.
- Mất ngủ.
Ngoài một số triệu chứng điển hình ghi ngờ bệnh tăng huyết áp trên, tăng huyết áp ở người trẻ còn gây ra: Tạo vệt máu ở trong mắt, nặng đầu, mỏi gáy… những triệu chứng này ít xảy ra hơn và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Những biến chứng nguy hiểm khi huyết áp cao
- Suy tim do phải làm việc quá sức để bơm máu đo nuôi cơ thể, lâu ngày sẽ khiến tim bị to và yếu đi.
- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim do bị xơ vữa động mạch.
- Phình động mạch dẫn đến chảy máu nội bộ, đe doạ tính mạng.
- Biến chứng não với các biểu hiện mất trí nhớ do bị thu hẹp động mạch, xuất huyết, nhồi máu não.
- Rối loạn chuyển hoá cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng vòng eo…
- Xuất huyết võng mạc gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn là có thể gây mù loà.
Phương pháp kiểm soát và điều trị bệnh cao huyết áp
- Dùng thuốc đối với người lớn tuổi bệnh lý tăng huyết áp vô căn, người tiến triển nặng.
- Giữ cân nặng phù hợp, đây là biện pháp ” xương sống ” của việc đảm bảo sức khoẻ nó chung và điều trị cao huyết áp nói riêng.
- Chế độ ăn uống hợp lý ít muối, ít ăn thịt đỏ, đồ uống có cồn và thực phẩm chứa đường, chất béo bão hoà, khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ: gạo lứt, rau xanh, quả chín. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, uống nước ép bằng máy ép chậm có giữ chất xơ để tăng cường chất xơ.
- Tăng cường các hoạt động thể chất như đi bộ, tập các bài tập vận động vừa phải 30 – 60 phút mỗi ngày.
- Có lối sống lành mạnh và khoa học như giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá, không thức khuya, hạn chế stress suy nghĩ nhiều dấn đến suy yếu hệ miễn dịch
Mọi vấn đề về bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi, kiểm tra để xác định đúng nguyên nhân và xử lý hiệu quả bởi bác sĩ chuyên môn. Vì thế, dù bạn không cảm thấy vấn đề gì về sức khoẻ cũng nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chỉ số huyết áp đều đặn để kịp thời can thiệp trong tình huống cần thiết.
ERAMALL.VN tổng hợp